Dây curoa là gì? các loại dây curoa thông dụng và cấu tạo

Dây curoa là một trong những phụ tùng không thể thiếu trong máy móc, từ công nghiệp, nông nghiệp đến phương tiện giao thông. Bạn đã thực sự hiểu rõ về dây curoa chưa? Bài viết này giải đáp mọi thắc mắc về dây curoa.

Dây curoa là gì?

Dây curoa (phiên âm từ “courroie” trong tiếng Pháp), hay còn gọi là dây đai truyền, dây belt, dây culoa, là phụ tùng được làm từ chất liệu cao su tổng hợp hoặc PU (Polyurethane). Vai trò chính của nó là truyền mô-men xoắn và công suất từ động cơ đến các bộ phận khác trong máy móc. Dây curoa sử dụng trong các loại máy móc như:

  • Ô tô, xe máy, tàu thuyền….
  • Máy nén khí, máy trộn bê tông, máy rửa xe.
  • Thiết bị công nghiệp và nông nghiệp (Máy móc trong nhà máy, máy giặt công nghiệp…).

Có mấy loại dây curoa?

Có rất nhiều loại dây curoa với nhiều kích thước và ứng dụng khác nhau. Dựa theo chất liệu có thể chia làm 3 loại dây curoa chính như sau:

  1. Dây curoa cao su
  2. Dây curoa PU
  3. Dây curoa dẹt

a. Dây curoa cao su

Dây đai cao su có cấu tạo thành phần chính là cao su tổng hợp. đây là những loại dây phổ biến, thường gặp trong đời sống hàng ngày và trong máy móc công nghiệp cũng như sử dụng trên ô tô, xe máy, máy kéo, máy bơm nước.

Các thương hiệu dây curoa cao su phổ biến là Bando, Gates, Mitsuboshi, Mitsusumi…

1. Dây thang trơn cổ điển bản FM, A, B, C, D, E

dây curoa bando bản a
Dây curoa A78

Bao gồm dây curoa bản A, Fm, bản B, dây curoa bản C, bản D và E. Đây là những loại dây curoa phổ biến, được sử dụng nhiều trong đời sống như dùng cho máy kéo, máy bơm nước, máy cưa gỗ, máy giặt, máy nghiền đá…

Dây trơn cổ điển được lựa chọn trong các ứng dụng có yêu cầu tải nhẹ hoặc nơi có không gian truyền động lớn để sử dụng nhiều sợi cùng một lúc.

2. Dây curoa thang hẹp 3V, 5V, 8V, và SPZ, SPA, SPB, SPC

Dây curoa SPB 3500
Dây curoa SPB 3500
  • Tiết diện ngang hình nêm, truyền tải công suất cao, không gian làm việc của bộ phận truyền động nhỏ hơn.
  • Có kết cấu dây cải tiến và vị trí đặt dây tối ưu khi so sánh với đai chữ V truyền thống. Khả năng truyền công suất cao hơn so với đai chữ V có cùng kích thước.
  • Tiết diện hình nêm mang lại mức độ hỗ trợ cao hơn so với đai chữ V cổ điển. Điều này có nghĩa cần ít dây đai hơn để truyền tải cùng một công suất.
  • Có thể truyền công suất gấp 2-3 lần so với dây trơn cổ điển trong cùng một không gian truyền động.
  • Dây curoa SPA, SPB, SPC, SPZ có chu vi tính theo hệ mét, áp dụng tiêu chuẩn ISO4183 của các nước châu Âu như Anh và Pháp.
  • Dây curoa 3V, 5V, 8V có chu vi tính theo hệ inch, áp dụng tiêu chuẩn RMA của Hoa Kỳ, được sử dụng ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Mỹ.
  • Dây SPZ có kích thước tiết diện ngang tương đương 3V, dây SPB tương đương 5V.

3. Dây curoa RECMF

1 khoanh Dây curoa RECMF 6410
Dây curoa RECMF 6410
  • Có kích thước tiết diện ngang tương đương với dây thang trơn cổ điển, nên có thể thay thế cho dây trơn cổ điển bản Fm, A, B, C tương ứng
  • Có độ bám dính tốt hơn và ít sinh nhiệt khi hoạt động. Chúng thường có giá bán cao hơn so với dây trơn thường.

4. Dây curoa răng (XPA, XPB, 3VX, 5VX, XPC)

  • XPA có kích thước tiết diện ngang tương đương SPA
  • Dây curoa XPB tương đương SPB
  • XPC tương đương SPC
  • 3VX tương đương 3V
  • 5VX tương đương 5V

5. Dây curoa biến tốc 1422V, 1922V, 2322V

Dây curoa 1922V 338
Dây curoa 1922V 338
  • Là loại dây curoa răng có chiều rộng lớn hơn các loại dây curoa cổ điến, được sử dụng trong các loại máy móc yêu cầu tốc độ tăng tốc lớn.
  • Dây curoa biến tốc phổ biến là 1422V, 1922V, 2322V.

6. Dây curoa rãnh dọc PK, PJ, PL Poly-V

  • Dây curoa rãnh dọc còn được gọi là dây curoa bẹ, bao gồm các loại dây PK, PJ, PL, PH.
  • Có các đường răng hình chữ v chạy dọc bên trong đai, cung cấp diện tích tiếp xúc lớn hơn, tăng lực ma sát giữa puly và dây đai. 
  • Kích thước nhỏ gọn lý tưởng cho các puly tốc độ cao bị giới hạn về không gian. 

7. Dây đai răng (dây curoa đồng bộ)

Dây curoa S8M 1728 Bando nhật bản
Dây curoa S8M 1728

8. Các loại dây curoa đặc biệt

Ngoài các loại dây curoa cao su đã liệt kê ở trên, còn một số loại ít phổ biến, sử dụng cho các ứng dụng đặc biệt khác như

  • Dây đắp cao su: Dùng trong ứng dụng đặc thù.
  • Dây lục giác: Sử dụng cho truyền động hai mặt.
  • Dây thang ghép (Banded V-Belt): Là loại dây do nhiều dây ghép lại, có ưu điểm giảm rung, chịu tải lớn.

b. Dây curoa PU

Dây curoa PU để chỉ các loại dây có thành phần cấu tạo chủ yếu từ vật liệu PU, thường có màu trắng sữa đối với dây răng PU và màu xanh lá mạ, màu cam đối với dây PU tròn. Các thương hiệu dây roa PU phổ biến là Bando, Megadyne, Sundt…

Ưu điểm: Chịu mài mòn tốt, linh hoạt, phù hợp môi trường yêu cầu sạch sẽ.

1. Dây curoa răng PU

Bao gồm các loại AT5, AT10, AT20, T5, T10, T20, XL, 5M, 8M…

  • Đặc điểm: Phân loại theo kích thước và hình dạng răng.
  • Ứng dụng: Máy móc thực phẩm, y tế, điện tử (yêu cầu không bụi).

 

Dây curoa răng PU AT10
Dây curoa răng PU AT10

2. Dây curoa PU tròn

  • Đặc điểm: Tiết diện tròn (đường kính 2mm, 5mm, 8mm, 15 mm…).
  • Màu sắc: Xanh lá mạ, bề mặt nhẵn hoặc nhám.
  • Ứng dụng: Băng chuyền nhẹ, máy đóng gói.

c. Dây curoa dẹt

Là loại dây curoa có tiết diện ngang hình chữ nhật, kích thước chiều rộng lớn hơn tương đối nhiều lần so với độ dày. Dây đai dẹt thường được làm từ nylon và cao su

  • Đặc điểm: Tiết diện hình chữ nhật, chiều rộng lớn hơn độ dày.
  • Chất liệu: Nylon kết hợp cao su.
  • Ứng dụng: Nhà máy gốm sứ, dệt may, băng tải tốc độ cao.
  • Ưu điểm: Truyền động êm, hiệu suất cao trong không gian hẹp.

So sánh nhanh 3 loại dây curoa

Loại Chất liệu Ứng dụng chính Ưu điểm
Dây đai cao su Cao su tổng hợp Công nghiệp, ô tô, gia dụng Đa dạng, giá rẻ, bền
Dây curoa PU Polyurethane Thực phẩm, y tế, băng chuyền Sạch, linh hoạt, chịu mòn
Đai dẹt Nylon + cao su Dệt may, gốm sứ Êm, hiệu suất cao

Cấu tạo dây curoa

Phần lớn các loại dây curoa có thành phần chính được làm từ cao su tổng hợp, dưới đây là cấu tạo các loại dây thông dụng

1. Cấu tạo dây curoa thang trơn, răng

Dây đai thang trơn và dây curoa răng cưa thường có cấu tạo giống nhau, bao gồm 3 lớp.

cấu tạo dây curoa cao su

  • Lớp vải bố

Là lớp vải bao bọc bên ngoài, thường được làm từ các loại sợi tổng hợp, có chức năng bảo vệ dây đai cao su không bị giãn và chịu lực kéo, chống sinh nhiệt trong quá trình hoạt động.

Lớp vải bố quyết định phần lớn độ bền và tuổi thọ của dây curoa, vì vậy các thương hiệu dây có lớp bố chắc chắn, dầy dặn sẽ có tuổi thọ cao hơn.

  • Lớp sợi chịu lực polyester

Sợi chịu lực là bộ phận chịu tải của dây curoa, phần lớn được làm từ sợi polyester, một số loại có thể được làm bằng vật liệu aramid hoặc sợi Kevlar.

Sợi chịu lực cung cấp độ bền kéo cao hơn, hạn chế độ giãn, sợi chịu lực và lớp cao su được liên kết chắc chắn tạo thành một khối, cho phép phân bổ tải trọng đồng đều.

  • Lớp cao su chịu nén

Được làm từ các lọai cao su tổng hợp hiệu suất cao như ethylene, giúp tăng phạm vi nhiệt độ hoạt động của dây curoa.

2. Cấu tạo dây curoa rãnh dọc PH, PJ, PK, PL

Các loại dây curoa rãnh dọc có cấu tạo gồm 2 lớp

  • Lớp cao su tổng hợp được sản xuất từ caosu chloroprene (CR), hoặc caosu tổng hợp (EPDM ), có khả năng đàn hồi, chịu lực tốt.
  • Lớp lõi bao gồm nhiều sợi chịu lực có thành phần polyester đảm bảo bền bỉ khi hoạt động.

3. Cấu tạo dây curoa răng Timing belt

Các loại dây curoa đồng bộ Timing belt có thành phần chính là cao su Chloroprene, ở giữa là các sợi thủy tinh chịu lực, phần răng được bọc bằng lớp vải nylon

Nguyên lý hoạt động của dây curoa

Dây curoa hoạt động bằng cách truyền lực từ động cơ sang các bộ phận khác thông qua bánh đà (puly). Khi động cơ quay, lực ma sát giữa dây và pulley sẽ kéo các bộ phận chuyển động theo.

So sánh dây curoa với các phương thức truyền động khác:

Ưu điểm Nhược điểm
Dây curoa Êm ái, ít bảo trì, giá rẻ Có thể bị giãn theo thời gian
Xích tải Chịu tải nặng, bền bỉ Cần bôi trơn, gây tiếng ồn
Bánh răng Chính xác, không trượt Giá thành cao, khó thay thế

Hướng dẫn bảo quản, bảo trì dây curoa

Bảo quản khi chưa sử dụng

  • Lưu trữ ở nhiệt độ 15-30°C, tránh nắng trực tiếp.
  • Không để gần dầu mỡ, axit, dung môi hữu cơ.
  • Tránh tồn kho quá lâu (đặc biệt dây răng) để không giảm chất lượng.

Bảo trì khi sử dụng

  • Tần suất kiểm tra: Kiểm tra dây curoa sau mỗi 500-1000 giờ hoạt động hoặc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Dấu hiệu hao mòn: Kiểm tra các dấu hiệu như nứt, rách, mòn, giãn, hoặc trầy xước bề mặt.
  • Độ căng đai: Đảm bảo dây curoa có độ căng phù hợp. Đai quá căng gây áp lực lên ổ trục, đai quá lỏng gây trượt và giảm hiệu suất.
  • Loại bỏ bụi bẩn: Sử dụng khăn sạch hoặc bàn chải mềm để loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ bám trên dây curoa.
  • Dung dịch vệ sinh: Chỉ sử dụng dung dịch vệ sinh nhẹ, không chứa hóa chất ăn mòn.
  • Tránh nước: Không để dây curoa ngâm nước hoặc tiếp xúc với chất lỏng quá lâu.

Dấu hiệu dây curoa cần thay thế:

  • Xuất hiện vết nứt hoặc bong tróc
  • Dây bị giãn, mất độ đàn hồi
  • Máy móc có tiếng ồn lớn khi hoạt động
  • Hiệu suất truyền động giảm rõ rệt

Hướng dẫn thay thế dây curoa

  • Tắt máy, đảm bảo an toàn
  • Tháo dây cũ, kiểm tra tình trạng puly
  • Lắp dây mới đúng kích thước và vị trí
  • Điều chỉnh độ căng dây curoa phù hợp
  • Chạy thử nghiệm để kiểm tra hiệu suất
Dây curoa đóng vai trò quan trọng trong hệ thống truyền động công nghiệp. Để đảm bảo hiệu suất tối ưu và kéo dài tuổi thọ của dây curoa, người dùng cần lựa chọn loại dây phù hợp, thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ. 

Sales Engineer tại Công ty TNHH Tâm Hồng Phúc